03/04/2022 - 10173 lượt xem
Gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, tương đương 4,3% GDP, được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh tài chính cho các doanh nghiệp sau đại dịch. Cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ, địa phương hỗ trợ mạnh mẽ hơn về nguồn vốn, thuế, cũng như giảm bớt điều kiện kinh doanh phiền phức.
Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Thưa Viện trưởng, bà đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Nhà nước cho sự phục hồi phát triển kinh tế trong thời điểm hiện nay?
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Nhà nước đã đi vào thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11/NQ-CP).
Những kết quả bước đầu cho thấy các tác động trực tiếp và gián tiếp tích cực đối với nền kinh tế. Trực tiếp nhất là việc các Bộ, ngành đã rất khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật, bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình, chẳng hạn như điều chỉnh thuế suất VAT từ 10% xuống còn 8% ngay từ đầu tháng 2/2022… Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nền kinh tế còn được thực hiện khẩn trương thông qua những chính sách mới ngoài Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (như việc tích cực xây dựng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có hiệu lực từ 01/4/2022, điều chỉnh giới hạn giờ làm thêm,…) hay chuẩn bị nền tảng thể chế cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Cộng đồng doanh nghiệp đã có tâm lý và kỳ vọng tích cực, kể cả ngay trước và sau khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP: số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm đã tăng tới 11,9% so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 102,5%...
-Ngay thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2022 và những tháng tiếp theo, lộ trình thực hiện chính sách này cần ưu tiên và đẩy mạnh những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa bà?
Việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP bước đầu đã tạo động lực và tâm lý tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm tạo đà cho phục hồi kinh tế. Trên nền tảng ấy, một số nhiệm vụ cần khẩn trương hơn trong thời gian tới là:
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, xây dựng danh mục nhiệm vụ, dự án, phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ ba, khẩn trương ban hành các văn bản liên quan để triển khai các biện pháp hỗ trợ cụ thể trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, như về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt, chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan đối với gói thầu tư vấn, gói thầu dịch vụ di dời hạ tầng kỹ thuật,… hay về quy định thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, thực hiện sớm các cải cách, chính sách cụ thể nhằm mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số nội dung cần sớm ban hành là Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, hay các quy định, cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn...
Thưa Viện trưởng, để triển khai gói hỗ trợ thành công, chúng ta phải có những quy trình rõ ràng ra sao?
Để sớm thực thi hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, tôi muốn lưu ý mấy điểm như sau: Một là, các quy định cần sớm ban hành, song cũng cần bảo đảm tham vấn đầy đủ cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương nhằm tránh những “bất cập” phát sinh ngay sau khi ban hành.
Hai là, các tiêu chí, điều kiện để tiếp cận các biện pháp hỗ trợ phải bảo đảm cụ thể, minh bạch, khả thi để thực hiện được ngay, tránh tình trạng phải tiếp tục ban hành những hướng dẫn thực hiện chi tiết.
Ba là, cần thường xuyên tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh, hay nhân rộng những điển hình tốt…
Đây là gói hỗ trợ rất thiết thực, đặc biệt việc hỗ trợ lãi suất 2% và giảm thuế VAT 2% thực sự là “liều thuốc” hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giảm chi phí và có thêm nguồn vốn để phục hồi kinh doanh. Quan điểm của bà về nội dung này?
Đây là một nội dung quan trọng và đã được bàn thảo khá kỹ ngay trong quá trình xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ngay tại thời điểm này, trước những quan ngại về diễn biến giá cả và áp lực đối với mặt bằng lãi suất cho vay, biện pháp hỗ trợ lãi suất cho vay từ nguồn ngân sách nhà nước lại càng có ý nghĩa quan trọng, để giúp giảm áp lực trực tiếp đối với một bộ phận doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chính ở đây, dù cần bảo đảm thận trọng khi xây dựng các văn bản hướng dẫn, một yêu cầu quan trọng là các văn bản này cũng cần sớm được ban hành để phát huy lợi ích lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế. Cần lưu ý, ngay những biện pháp hỗ trợ từ phía tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng hay giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu – thường được cho là cần quy trình khá lâu – còn được thực hiện sớm, thì các biện pháp về tiền tệ nói chung và hỗ trợ lãi suất cho vay nói riêng cũng cần có những tiến độ tương xứng.
Để tận dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu mô hình kinh doanh ra sao?
ADVERTISING
Khi có các quy định cụ thể về hỗ trợ lãi suất cho vay từ nguồn ngân sách nhà nước trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh mô hình kinh doanh để bảo đảm tận dụng hiệu quả. Một mặt, các doanh nghiệp phải bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay đáp ứng quy định về đối tượng khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất.
Các hoạt động này không nhất thiết phải theo cách thức doanh nghiệp đã và đang thực hiện, mà có thể gắn với các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, hay hoạt động dịch vụ thông tin gắn với chuyển đổi số… Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần đánh giá những cơ hội mới từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do mới (như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP), để bảo đảm đầu ra hiệu quả.
Trong gói 350.000 tỷ đồng của chương trình, một cấu phần quan trọng, chiếm gần 1/3, tương đương khoảng 113.000 tỷ đồng sẽ dành cho đầu tư phát triển hạ tầng. Bà có cho rằng, đây sẽ là những công trình tạo sức bật cho nền kinh tế?
Giải ngân đầu tư công là một yêu cầu quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu này là không dễ, bởi chúng ta đã nhìn nhận một số vấn đề với giải ngân đầu tư công ngay cả trong những năm trước đại dịch COVID-19. Dù vậy, khó khăn về tăng trưởng kinh tế trong những năm 2020-2021 cũng khiến các bộ, ngành địa phương phải nghiêm túc hơn với yêu cầu, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Tôi tin tưởng rằng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ này sẽ sớm đạt được những chuyển biến tốt.
Tôi cũng lưu ý thêm về yêu cầu phát huy tác động lan tỏa của đầu tư công. Một định hướng quan trọng sẽ là thực hiện nhanh, có hiệu quả các dự án đầu tư công ở cấp vùng hoặc liên vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nội dung liên quan đến quy hoạch vùng, thể chế liên kết vùng…để sớm phát huy hơn nữa những tác động lan tỏa này, qua đó tạo thêm động lực cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng!
Nguồn: Báo tin tức ( Thông tấn xã Việt Nam)