16/05/2025 - 102 lượt xem
Ngày 14/05/2025 với sự hỗ trợ của Cơ quan năng lượng Đan Mạch, Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (NCCSCL) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp ngành năng lượng tại Việt Nam”. Hội thảo tập trung thảo luận các chính sách về chuyển dịch năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian tới và đề xuất các định hướng chính sách nhằm quản trị có hiệu quả quá trình đầu tư cho chuyển dịch năng lượng tại doanh nghiệp.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược chia sẻ: Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn đầy tham vọng cho một tương lai xanh, thể hiện qua mục tiêu trung hòa carbon và cam kết Net Zero vào năm 2050. Những nỗ lực này được truyền tải vào nhiều văn bản chính sách, chiến lược tổng thể và chiến lược ngành. Những điều chỉnh chính sách gần đây như Quy hoạch điện 8 sửa đổi và hàng loạt các Luật có liên quan như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Đất Đai, Luật 57 (sửa đổi các Luật Quy hoạch, Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu Thầu) và đang tiếp tục trình Quốc hội Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật bổ sung sửa đổi một số điều của Luật Quy hoạch và một số điều Luật khác tại kỳ họp đang diễn ra lần này.
TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng những động thái và nỗ lực này đều cho thấy quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, con đường đi không hề bằng phẳng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao, tăng trưởng hai con số trong những năm tới, nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, trong khi nguồn cung còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết vừa bảo đảm an ninh năng lượng song song với chuyển đổi xanh. Phát triển và mở rộng năng lượng tái tạo cùng với nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng được xác định là giải pháp kinh tế và hiệu quả nhất.
Mặc dù có chủ trương đúng đắn của Đảng, sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và đưa ra các đường hướng, kế hoạch, chiến lược rõ ràng, nhưng quá trình triển khai các mục tiêu về năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển hạ tầng lưới điện và hoàn thiện khung pháp lý vẫn còn những hạn chế nhất định so với kỳ vọng. Hoạt động nghiên cứu này của Viện được triển khai trong bối cảnh đó, với kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giữa các chủ trương, mục tiêu đặt ra và các hành động triển khai trong thực tế. Đồng thời, Báo cáo cũng tiếp cận từ góc độ quản trị, và ở đây, quản trị không chỉ là bộ máy nhà nước, mà còn là tổng thể các thiết chế, quy định, quy trình ra quyết định và thực thi, bao gồm sự phân công rõ ràng chức năng, phân bổ nguồn lực và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và các chủ thể trong hệ thống.
Tiếp đó, Bà Mette Ekeroth, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ: Bài học trong quá trình chuyển đổi xanh của Đan Mạch là phải xây dựng và đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như sử dụng một cách hiệu quả các năng lượng tái tạo. Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Hành trình lên kế hoạch giảm phát thải để đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050 phải cần những bước chuyển đổi thật mạnh mẽ. Cơ chế quản trị ổn định ở cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng vì những nhà đầu tư đều cần những quốc gia có chính sách lâu dài, dài hạn và những phân chia vai trò, nghĩa vụ rõ ràng của các bên liên quan ở trong nền kinh tế và trong hệ thống. Theo kinh nghiệm của Đan Mạch, có một hệ thống quản trị tốt có thể gỡ bỏ những rào cản và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong quá trình chuyển đổi xanh, cơ cấu tổ chức của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng vì nó điều phối, phối hợp giữa các ngành và điều chỉnh bằng cơ quan điều phối ngành khác nhau. Cơ chế quản trị hiệu quả chính là động lực thúc đẩy các yếu tố, cũng như các nhân tố trong nền kinh tế để đạt được những cam kết, kết quả mong muốn.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính
Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết Cục đã tham mưu cho Chính phủ các chương trình hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp. Thứ nhất là chương trình chuyển đổi và gần đây nhất là chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay còn gọi là chuyển đổi kép. Việc hỗ trợ các cơ quan như Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam có những nguồn lực rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận những công nghệ thế giới, giúp Chính phủ hướng tới mục tiêu trung hòa carbon 20250. Trong thời gian vừa qua, Cục Doanh nghiệp và phát triển tư nhân tập thể đã tham mưu cho Trung ương, Chính phủ và gần đây nhất là tham mưu cho Bộ Chính trị Nghị Quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và trong đó đề cao việc cải thiện môi trường kinh doanh để tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia. Sau tham mưu này, Cục hy vọng Chính phủ sẽ có những cơ chế mới, ưu đãi cho doanh nghiệp.
TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế ngành và địa phương,
Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược
TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế ngành và địa phương, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đại diện nhóm nghiên cứu trình tóm tắt Dự án. Theo bà Hoài, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rất chính xác những hướng đi của năng lượng tái tạo, phát triển và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Trong đó, xác định an ninh năng lượng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình phát triển năng lượng. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ cần phải có thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh và minh bạch. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống năng lượng đồng bộ, đa dạng với các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Nghị quyết cũng đã đề ra cần làm chủ về công nghệ, từ đó đảm bảo được an ninh năng lượng. Cuối cùng là hiệu quả về tích kiệm năng lượng. Bà Hoài nhấn mạnh đây là những định hướng đúng đắn và phù hợp trong quá trình phát triển năng lượng và chuyển đổi. Tuy nhiên, bà Hoài chia sẻ để thực hiện những định hướng đó còn rất nhiều thách thức như vấn đề phức tạp, nhạy cảm, một số mục tiêu có xung đột trong ngắn hạn; cân bằng giữa kiểm soát của nhà nước và thị trường; nhiều bên tham gia nhưng cần nhất quán; năng lực hạn chế nhưng yêu cầu cao về hoàn thiện pháp luật.
Qua khảo sát các bên liên quan trong quá trình ban hành, thực thi, giám sát triển khai quá trình thực hiện chính sách, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một vài kết luận. Thứ nhất, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, thực thi và triển khai chính sách. Chưa có sự không thống nhất giữa các lĩnh vực chính sách liên quan (ví dụ quy hoạch năng lượng, sử dụng đất, yêu cầu môi trường, v.v.), thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong các chính sách phát triển ngành và chính sách tiết kiệm năng lượng; các nghĩa vụ đối nghịch của các SOEs. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu các chương trình hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các địa phương. Tiếp theo, về nguồn lực và năng lực, nhóm nghiêm cứu chỉ ra còn khoảng cách về năng lực kỹ thuật và nguồn nhân lực, năng lực kỹ thuật hạn chế của một số chính quyền địa phương ảnh hưởng đến phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng, năng lực đánh giá hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất với 3 nhóm khuyến nghị. Thứ nhất, về cải thiện thể chế: Tăng cường vai trò của các tổ chức điều phối liên ngành như Ban Chỉ đạo quốc gia; phân công, phân cấp manh hơn, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước. Thứ hai, tăng cường phối hợp trong thực thi chính sách: Cải thiện cơ chế giám sát và phản hồi; xác định vai trò và lộ trình rõ ràng của SOEs trong thị trường cạnh tranh; thúc đẩy đầu tư tư nhân; đẩy nhanh và phối hợp đầu tư phát triển lưới điện. Thứ ba, tăng cường nguồn lực và năng lực: Đầu tư vào các chương trình đào tạo và giáo dục chuyên ngành; tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực ở cấp tỉnh.
Ông Magnus Larsen, Cố vấn Kỹ thuật, Cơ quan năng lượng Đan Mạch
Ông Magnus Larsen, Cố vấn Kỹ thuật, Cơ quan năng lượng Đan Mạch đã chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh tại Đan Mạch. Ông Magnus Larsen đã đưa ra một số nguyên tắc quản trị mà Đan Mạch đã triển khai, đồng thời đưa những khái niệm có vẻ lý thuyết đó thành cơ chế và sáng kiến cụ thể để Đan Mạch có thể đạt được những mục tiêu về chuyển đổi xanh.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và chuyển đổi xanh chia sẻ đây là lần đầu tiên ở trong Luật có riêng một chương về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và có những quy định, cơ chế khung để tạo điều kiện tốt nhất cho việc chuyển đổi năng lượng tái tạo trong ngành điện. Ông Sơn nhấn mạnh: trong vòng 1 ngày có đến 3 Nghị định được ban hành vào ngày 3/3/2025. Trong đó, Nghị định 56 về quy hoạch phát triển điện lực theo Luật Điện lực. Nghị định này đã đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng cho các cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục,.. tạo ra hành lang kiểm soát có điều kiện nhưng lại mang tính mở. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2025/NĐ-CP ngày 09/5/2025 sửa đổi bổ sung Điều 15 của Nghị định 56 về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí. Bên cạnh đó, năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn đưa ra một số quy định tương đối khó thực thi. Tuy nhiên, ngày 3/3/2025 Chính phỉ cũng ra Nghị định 57 sửa đổi Nghị định 80 với các điều kiện được nới ra và bổ sung thêm nhiều điều khoản giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Nghị định Nghị định 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ gây tranh cãi về tính minh bạch và khả thi. Tuy nhiên, cũng vào ngày 3/3/2025 Nghị định 58/2025/NĐ-CP được ban hành, thay thế Nghị định 135, đưa ra những chỉ dẫn mới mang tính chất mở như tạo ưu đãi cho dự án điện gió ngoài khơi, chính sách ưu đãi cho điện năng lượng mới.
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược chủ trì Phiên thảo luận
Tại Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận với sự điều phối thảo luận của TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược. Đại biểu tham dự thảo luận: Bà Mette Ekeroth, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính; Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và chuyển đổi xanh; Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra các cơ chế, phương pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, khó khăn để thúc đẩy quản trị chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.
Nguồn: Phòng Hành chính
Ngày 23/4/2025, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp ...
Ngày 1/4/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Trưởng Ban Chính sách, chiến lược ...
Chiều ngày 19/03/2025, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã có buổi làm việc với TS. Trương Minh ...
Sáng ngày 7/3/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã tổ chức gặp mặt để chúc mừng nữ viên chức, người lao động ...
Sáng ngày 03/03/2025, tại trụ sở Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định của ...
Sáng ngày 28/02/2025, Lãnh đạo Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lãnh ...
Ngày 19 tháng 02 năm 2025 tại Thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ...
Sáng ngày 17/01/2025, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện nhân dịp đón ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp ...